Viêm tai giữa nếu không điều trị cẩn thận sẽ có thể để lại những biến chứng lâu dài.
A.N. là lao động tự do. Từ khi còn nhỏ, A.N. thường bị sốt, viêm họng, đau tai và có rỉ ít dịch tai, đi khám tại phòng khám gần nhà chẩn đoán viêm tai giữa, uống thuốc 1-2 tuần thì hết. Sau này thỉnh thoảng anh vẫn có những đợt bệnh tương tự, người nhà hoặc bản thân anh A.N. thường tự lấy toa thuốc cũ đi mua để uống, các triệu chứng khác đều giảm ngoại trừ tai còn rỉ ít dịch và nghe kém hơn các bạn đồng trang lứa. Nhiều lần được bác sĩ tư vấn lên tuyến trên để khám và điều trị vì tình trạng viêm tai giữa mạn tính đã có biến chứng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn kèm 1 phần do chủ quan nên anh chỉ uống thuốc.
Khi tình trạng tai chảy dịch ngày 1 nhiều hơn, dịch đục, nghe kém hơn, uống thuốc không bớt, anh quyết định đến khám tại bệnh viện thì được chẩn đoán Viêm tai giữa mạn gây thủng màng nhĩ và viêm xương chũm (xương nằm sau tai). Cần phẫu thuật để loại bỏ mô nhiễm trùng và khôi phục màng nhĩ nếu được.
Viêm tai giữa là gì? Nguyên nhân do đâu?
Viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhất là trẻ dưới 15 tuổi hoặc tuổi mẫu giáo. Viêm tai giữa không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.
Viêm tai giữa thường xảy ra do sự bất thường ở vòi tai, một ống liên kết tai giữa với vùng cổ họng. Khi ống này hoạt động không bình thường, nó ngăn cản sự thoát dịch từ tai giữa, gây ra sự tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ. Chất dịch này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển trong tai, dẫn đến tình trạng viêm tai.
Vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, và Moraxella catarrhalis. Bệnh có thể xảy ra sau cảm lạnh, đau họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh có thể phân thành 3 loại: viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa có ứ dịch và viêm tai giữa mạn tính có ứ dịch.
Triệu chứng viêm tai giữa thường gặp là gì?
– Đau tai, có thể là đau nhói, đau buốt hoặc đau kéo dài. Đau tai có thể tăng lên khi ngủ nằm, nuốt nước bọt hoặc nhai kẹo cao su.
– Sốt nhẹ hoặc cao, do cơ thể phản ứng với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.
– Chảy dịch từ tai, có thể là mủ, máu hoặc dịch trong suốt. Chảy dịch từ tai có thể là dấu hiệu của thủng màng nhĩ.
– Giảm thính lực, do dịch ứ đọng trong khoang tai giữa làm cản trở truyền âm thanh.
– Ù tai, tiếng ù trong tai hoặc cảm giác tai bị bít.
– Khó chịu, quấy khóc, buồn ngủ hoặc mất ngon miệng ở trẻ em.
Viêm tai giữa nếu không được điều trị triệt để có thể gây ra các biến chứng như viêm xương chũm, viêm não màng não, liệt khuôn mặt hoặc điếc lâu dài.
Làm sao để phòng ngừa viêm tai giữa?
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cảm lạnh, viêm họng hoặc viêm xoang. Rửa tay thường xuyên. Dạy trẻ cách rửa tay và khi nào nên rửa tay, không đưa tay lên mặt
– Giữ cho mũi và họng của trẻ luôn thông thoáng.
– Không cho trẻ bú sữa khi nằm ngửa. Khi bú sữa, sữa có thể chảy vào ống tai giữa và gây viêm nhiễm.
– Không cho trẻ hút bình sữa hoặc mút ti giả quá lâu. Hút bình sữa hoặc mút ti giả có thể làm tăng áp suất trong ống tai giữa và gây viêm nhiễm. Nên cắt dần thói quen hút bình sữa hoặc mút ti giả của trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi.
– Không cho trẻ hít khói thuốc lá. Thuốc lá có thể kích thích niêm mạc ống tai giữa và gây viêm nhiễm. Nên hạn chế hút thuốc lá trong nhà hoặc gần trẻ.
– Tiêm phòng vắc xin cho trẻ. Một số vắc xin có thể giúp phòng ngừa các loại vi khuẩn, vi rút gây viêm tai giữa. Nên theo đúng lịch tiêm phòng của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nguy hiểm.
Viêm tai giữa thanh dịch không do nhiễm trùng có thể tự khỏi, thường trong 10-20 ngày. Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào cơ địa, cấu trúc tai, chức năng vòi tai. Nếu bội nhiễm vi khuẩn, có thể gây biến chứng thủng màng nhĩ khiến người bệnh nghe kém. Viêm tai giữa rất dễ tái phát. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đi khám để được điều trị kịp thời, phục hồi thính lực.