Những ngày này, núi rừng Yên Tử được phủ lên sắc vàng rực rỡ của những tán hoa mai cổ thụ tuyệt đẹp, tô điểm cho hành trình khách du xuân, chiêm bái vùng đất Phật.
Cứ vào tháng 3, những cây mai vàng cổ thụ lại thi nhau bung nở tại đại ngàn núi Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh, tạo nên khung cảnh hiếm nơi có được.
Những cây mai vàng cổ thụ được trồng từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau hàng trăm năm, những cây mai vàng đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn, nhiều cây cao hơn 15m trên vách đá cheo leo.
Rừng mai cổ thụ hiện thuộc sự quản lý của Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Loại mai này thường không nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán mà phải sau Tết 2 tháng, những cây mai ở đây mới bắt đầu bung nở những bông đầu tiên.
Lúc này, hàng loạt cây mai rụng hết lá cũ, thay vào đó là màu vàng rực của hàng triệu bông hoa nở thành chùm.
Mai vàng Yên Tử có nét đặc trưng riêng: Lá non lúc nào cũng xanh biếc, hoa có 5 cánh, nở thành chùm và có mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết, được các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá đây là một nguồn gen quý của Việt Nam cần nhân giống và bảo tồn.
Những cây mai vàng Yên tử tập trung chủ yếu ở khu vực Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, thác Vàng, thác Bạc. cây nào cũng được đánh số thứ tự để quản lý và chăm sóc.
Một số hình ảnh mai vàng Yên Tử nở rộ khắp núi rừng:
Mai vàng cổ thụ là một loài cây hoa đặc hữu của non thiêng Yên Tử. Tương truyền, cách đây hơn 700 năm, khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, đã cùng với các tín đồ Phật tử trồng những cây mai vàng đầu tiên tại đây.
Sau hàng trăm năm, những cây mai vàng đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn, nhiều cây cao hơn 15m trên vách đá cheo leo.
Theo số liệu kiểm đếm của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, hiện còn 268 cây mai vàng sinh trưởng ở độ cao trên 500m so với mặt nước biển. Đặc biệt ở rừng già còn 20 cây mai có tuổi đời trên 100 năm được công nhận là cây di sản.
Theo Phạm Công (Vietnamnet)