Nằm ẩn mình trong khu rừng Mã Đà, hàng nghìn cây hoa giấy trên cung đường dài 25km đua nhau khoe sắc, nhuộm màu thơ mộng giữa không gian tràn ngập màu xanh của cây cối.
Trên xe ô tô chạy vào rừng Mã Đà thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ông Trần Đình Hùng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn chỉ tay về phía Mã Đà rồi nói, đó là cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của miền Đông Nam Bộ.
Xe chạy được vài kilomet, ven đường xuất hiện hàng hoa giấy bung nở một màu tím Huế. Ông Hùng khoe con đường hoa này dài 25km chạy sâu vào rừng nguyên sinh dẫn tới 3 khu di tích cấp quốc gia. Sau đó, ông thốt lên: “Mùa hoa nở đẹp lắm, ai đi qua cũng mê”.
Gắn bó với rừng ở đây đã hơn 30 năm và là một trong những người tự tay trồng những cây hoa giấy đầu tiên trên con đường này, ông cho biết, đây là ý tưởng của Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
Hoa được trồng từ năm 2008, với mong muốn tạo điểm nhấn trên cung đường dẫn vào 3 khu di tích cấp quốc gia, đồng thời tạo cảnh quan để “giải phóng” tiềm năng du lịch sinh thái nơi đại ngàn.
“Đầu năm nay, tỉnh đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, với tổng vốn đầu tư là 991 tỷ đồng”, ông khoe.
Ban đầu, khu bảo tồn trồng cả hoa sứ và hoa giấy. Nhưng sau một thời gian, hoa giấy phát triển tốt, bung nở do chịu được thời tiết khô hạn, lại hợp thổ nhưỡng của vùng nên khu bảo tồn chọn là cây trồng chính chạy dọc theo cung đường.
Ông Hùng tiết lộ, số lượng hoa giấy ở đây tăng theo mỗi năm. Đến nay cả con đường có khoảng 12.000 gốc, trong đó rất nhiều cây đã được 15 – 16 tuổi. Riêng hoa sứ còn khoảng 6.000-7.000 cây.
Dừng xe trên con dốc, ông Hùng cho biết, hoa giấy nở quanh năm. Bất kể mưa hay nắng, hoa giấy cũng khoe sắc. Song, mùa hoa nở rộ và đẹp nhất là cuối xuân và đầu hè.
Khách du lịch hay những người đi ngang qua rất thích chụp ảnh tại con đường hoa này. Hiện hoa giấy mới chỉ được trồng ở một bên đường. Bên phía còn lại, khu bảo tồn sẽ lên kế hoạch trồng cây muồng hoa đào. Cây trổ hoa đẹp như hoa anh đào Nhật Bản.
“Ở rừng, tạo cảnh quan cũng phải tính toán trồng cây hoa gì. Cây muồng hoa đào vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa là cây bản địa có sẵn trong rừng tự nhiên”, ông Hùng chia sẻ.
Theo người dân địa phương, thời điểm đẹp nhất để đến tham quan con đường hoa giấy là từ tháng 4 đến tháng 6. Bởi đây là lúc hoa giấy nở rộ, khoe sắc rực rỡ, tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp mắt.
Ông Trần Đức Sơn (người dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, thông thường trước tết Nguyên đán, các hộ dân cùng lực lượng khu bảo tồn thường dọn dẹp cỏ ven đường để chuẩn bị cho mùa hoa giấy đẹp nhất.
Con đường hoa giấy này đặc biệt vì nằm trong khu vực rừng Mã Đà, nên khung cảnh xung quanh rất hoang sơ, thơ mộng. Trên đường dẫn vào rừng, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một thế giới khác, hoàn toàn tách biệt với sự ồn ào náo nhiệt của phố thị.
Đến tận nơi, trải nghiệm trên con đường hoa giấy xuyên rừng, chiêm ngưỡng những chùm hoa đang khoe sắc và tận hưởng không khí trong lành du khách mới cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của nơi này. Đồng thời, khám phá những bí ẩn ở khu rừng nguyên sinh Mã Đà.
Nơi đây nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú cùng nhiều cảnh đẹp. Khi đến đây du khách có thể khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của khu rừng, chiêm ngưỡng những chú bướm. Mọi người còn có thể tham gia các hoạt động khác như cắm trại, trò chơi tập thể…
Theo Hoàng Anh- ĐN (VietNamNet)