GĐXH – Liên quan đến vụ nhiều người ngộ độc ở Điện Biên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã có báo cáo kết quả xác minh nguồn nước.
Xác định chất gây ngộ độc nguồn nước
Trước đó, từ ngày 21/8 – 23/8, Trạm Y tế xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tiếp nhận 6 người dân thuộc 4 hộ gia đình tại Bản Co Pục nghi ngộ độc nước đến khám với các biểu hiện: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau họng, đau bụng.
Những người này được cán bộ Trạm Y tế tiến hành các biện pháp chuyên môn và cho về nhà theo dõi.
Từ ngày 24/8 – 26/8, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tiếp nhận các trường hợp đến khám với các biểu hiện như trên. Trung tâm y tế đã thực hiện khám, thu dung và điều trị cho 20 bệnh nhân.
Các bệnh nhân nghi ngộ độc được điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: Văn Thành Chương
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã cử cán bộ y tế phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương tiến hành xác minh sự việc sự cố môi trường đối với nguồn nước sinh hoạt của cụm dân tại bản Co Pục.
Theo Báo Lao động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã có báo cáo kết quả xác minh nguồn nước khiến nhiều người ngộ độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong các mẫu nước từ nguồn nước mà 5 hộ dân tại bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên lấy về làm nước sinh hoạt và mẫu nước trong bể chứa của 1 gia đình bị ngộ độc đều có chất Diquat dibromide – hoạt chất có trong thuốc diệt cỏ “COCHAY 200 – Cháy 24h”.
Cụ thể, mẫu số 1 lấy từ đầu nguồn nước mà 5 hộ dân tại bản Co Pục dẫn về có chất Diquat dibromide 0,13 µg/L và mẫu nước lấy từ bể chứa của gia đình ông Lò Văn Pánh có chất Diquat dibromide 0,10 µg/L.
Trong quá trình thu thập thông tin để điều tra, xác minh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và thu giữ tại hiện trường 1 vỏ bao thuốc diệt cỏ có nhãn hiệu “COCHAY 200 – Cháy 24h”.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước, Sở Y tế Điện Biên đã yêu cầu các cơ sở y tế và chính quyền địa phương hướng dẫn người dân tiếp tục cách ly nguồn nước hiện tại, sử dụng nguồn nước thay thế. Đồng thời, đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành đánh giá lại môi trường đất, nước, không khí tại khu vực nguồn nước.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cũng sẽ thực hiện xét nghiệm lại mẫu nước sau khi các lực lượng chức năng hoàn thành việc xử lý môi trường. Căn cứ kết quả và đánh giá mức độ an toàn, nếu đảm bảo sẽ hướng dẫn người dân tiếp tục sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Tin mới nhất vụ công nhân thủy điện phun thuốc diệt cỏ vào nơi lấy nước của dân khiến hàng loạt người ngộ độc, nhập viện
GĐXH – Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết, sức khỏe của các bệnh nhân nghi ngộ độc cơ bản đã ổn định. Đơn vị phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm ở Trung ương để có thể xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Hoạt chất Diquat Dibromide là gì?
Diquat Dibromide là hoạt chất chứa độc tố sử dụng trong nhiều loại trừ cỏ tiếp xúc không chọn lọc, chất hút ẩm, làm rụng lá. Chất này có độ dẫn điện nhất định, hoàn toàn có thể sử dụng làm sạch cỏ dại trong nông nghiệp. Cỏ dại khi phun thuốc có chứa hoạt chất này sẽ chết trong khoảng vài giờ sau đó.
Thuốc này dạng chất lỏng không có tác dụng phụ nguy hiểm với vỏ cây trưởng thành, màu nâu. Trong điều kiện sinh trưởng, tự nhiên bình thường thì dùng thuốc này không phá hủy kết cấu đất, không làm ô nhiễm nặng nề đất và nước. Cũng không ảnh hưởng tới sự nảy mầm và lớn lên của hạt giống trong đất.
Hoạt chất này hiệu quả cao tiêu diệt các loại cỏ dại khác nhau trong đất không canh tác. Chất này thường được tạo ra với dạng dung dịch hòa tan được hoàn toàn trong nước.
Khu vực nguồn nước bi nghi ngờ ô nhiễm tại bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Chất Diquat Dibromide có trong danh sách cấm?
Theo cập nhập thông tin từ danh sách hoạt chất cấm sử dụng trong ngành nông nghiệp thì không có mặt hoạt chất Diquat Dibromide. Chất này được sử dụng trong nhiều sản phẩm bảo vệ thực vật. Tuy nhiên khi sử dụng phải kiểm soát theo nguyên tắc 4 đúng để bảo vệ cây trồng và môi trường tự nhiên.
Thuốc diệt cỏ Diquat Dibromide gây ngộ độc nguy hiểm thế nào?
Theo các bác sĩ, “Vua cỏ cháy” Diquat là thuốc diệt cỏ cực độc có tính kiềm, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề hầu hết các cơ quan nội tạng quan trọng (tim, gan, thận, phổi, não….). Nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp và xơ phổi, khi càng cung cấp oxy lại càng tạo ra sản phẩm oxy hóa gây tổn thương đến cấp tế bào, nguy cơ tử vong cao 70 – 90%.
Trên thực tế đã có rất nhiều vụ người bị ngộ độc hoạt chất này. Khi bị ngộ độc có thể bị khó thở, nôn mửa, chóng mặt, ho ra máu, trụy tim, hỏng hệ tiêu hóa, co giật hệ thần kinh, tổn thương gan…
Cách xử lý khi bị ngộ độc Diquat Dibromide
Theo các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quân y 103, khi bị ngộ độc Diquat Dibromide cần nhanh chóng lấy chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cần phải biết được người bệnh đang bị nhiễm độc qua đường nào và có cách xử lý ra sao.
Nhiễm độc da, mắt: Khi bị ngộ độc, cần lập tức thay quần áo, rửa da bằng nước xà phòng an toàn và rửa mặt bằng nước sạch trong khoảng 15 đến 20 phút.
Nhiễm độc qua đường uống: Hãy cố gắng tìm cách nôn ra. Uống than hoạt tính, Fuller’s earth 20g. Rửa dạ dày cho đến khi test dithionit âm tính. Tiếp tục uống than hoạt tính 0.5g/2 giờ và sorbitol 0.5g/giờ.
Quá trình hồi sức: Sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ; truyền dịch để có nước tiểu trên 100ml/giờ; tránh dùng oxy, thông khí nhân tạo nếu suy hô hấp; nếu vô niệu có thể dùng thận nhân tạo hoặc sử dụng phương pháp lọc máu với hấp phụ than (hemoperfusion sur charbon).