Những du khách tới Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) không khỏi thích thú với hình ảnh hàng trăm cánh diều đủ màu sắc bay lượn trên bầu trời xanh. Trên mặt biển, người chơi lướt trên sóng điêu luyện, thực hiện những động tác bay lên khỏi mặt nước.
Cuối tháng 12 vừa qua, anh Martin (người Thụy Điển) cùng vợ chọn Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) là địa điểm du lịch trong kỳ nghỉ năm mới. Sau hơn 1 tuần trải nghiệm cuộc sống tại đây, họ quyết định kéo dài chuyến đi tới 1 tháng.
Điều giữ chân cặp đôi chính là hoạt động lướt ván diều hấp dẫn. “Mọi thứ ở đây đều rất thuận lợi cho môn thể thao trên biển này, từ nắng, gió, sóng biển, bãi cát… Tôi đã đi nhiều nơi và đây có thể nói là địa điểm ưng ý nhất để thỏa mãn đam mê lướt ván diều”, anh Martin chia sẻ.
Những du khách lần đầu tới Mũi Né không khỏi thích thú với hình ảnh hàng trăm cánh diều đủ màu sắc bay lượn trên bầu trời xanh. Trên mặt biển, người chơi lướt trên sóng điêu luyện, thực hiện những động tác bay lên khỏi mặt nước, nhào lộn trên không…
Lướt ván buồm, lướt ván diều du nhập vào Việt Nam khoảng 15 năm trước và biển Hàm Tiến – Mũi Né được đánh giá là địa điểm thuận lợi nhất Việt Nam để trải nghiệm môn thể thao này. Mũi Né có ưu thế về điều kiện thời tiết, với sức gió ổn định và ngọn sóng cao vừa phải, tạo ra những cơn lốc xoáy hoàn hảo cho môn thể thao mạo hiểm. Thêm vào đó, đây là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, trong xanh và an toàn, không có đá ngầm hay rạn san hô gây nguy hiểm.
Vài năm trở lại đây, vùng biển Hàm Tiến – Mũi Né trở thành địa điểm quy tụ nhiều vận động viên chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Mùa gió lý tưởng cho môn thể thao này là từ tháng 11 năm trước tới tháng 3 năm sau. Đây là giai đoạn gió mùa Đông Bắc thổi mạnh và liên tục, tạo ra những cơn gió lớn và dài.
Với thời tiết quanh năm nắng ấm và gió lớn, Bình Thuận từng được trang du lịch của Asia One giới thiệu trong Top 5 “thiên đường” trải nghiệm mạo hiểm ở châu Á gồm: Lướt ván diều ở Mũi Né (Việt Nam), Nhảy dù trong nhà ở Sentosa (Singapore), lặn ngắm san hô ở Palawn (Philippines), chinh phục trạm Everest Base Camp (Nepal), và nhảy bungee ở Macau (Trung Quốc).
Theo một HLV tại Mũi Né, lướt ván diều đòi hỏi người chơi vừa phải có thể lực vừa phải có kỹ thuật và thuần thục bơi lội. Sức gió rất mạnh khi cánh dù được căng trên bầu trời, khách du lịch phải nắm chắc dây, căng mình níu và điều khiển dù lượn phía trên cùng ván trượt phía dưới chân.
Du khách quốc tế tới Phan Thiết tham gia lướt ván diều chủ yếu đến từ các nước ở Châu Âu như: Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Nga, Cộng hòa Séc và một số ít đến từ Mỹ, Canada hay Australia. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho 17 doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ lướt ván diều.
Những năm trở lại đây, tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi lướt ván diều nhằm quảng bá du lịch Việt Nam và thu hút nhiều vận động viên nam, nữ chuyên nghiệp và nghiệp dư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài lướt ván diều, khách du lịch còn có thể học lướt ván, lái thuyền buồm hay lặn.
Một khoá dạy lướt sóng cho khách du lịch mới tập chơi thường mất khoảng 02 giờ đồng hồ và có mức giá khoảng 01 triệu đồng. Chi phí trên bao gồm toàn bộ dụng cụ như ván, leash và người hướng dẫn. Sau khoá học thì đa số khách du lịch đã có thể tự chơi và có thể thuê ván để tập. Chi phí thuê ván sau đó sẽ là 150.000đ/h.
Trong năm 2024, Bình Thuận sẽ tổ chức nhiều hoạt động thể thao biển, thể thao giải trí như: Giải đua Windsurf mở rộng lần thứ 23 “the 23rd Mui Ne Fun Cup 2024”; Giải Việt Nam Festrival Bình Thuận 2024 diễn ra từ ngày 22/3 – 24/3/2024; Giải Stop and Run Marathon Bình Thuận 2024 diễn ra từ ngày 17/5 – 19/5/2024; Lễ hội chèo Súp Phú Quý – Bình Thuận 2024 diễn ra từ ngày 02/5 – 04/5/2024…
Theo Linh Trang (Vietnamnet)