Theo Nhà báo Tuyết Nhung, người có thâm niên nghiên cứu về ẩm thực Hà Nội: Món cuốn tôm đồng người Hà Nội xưa thường ăn vào các ngày Mùng 3, 5, 7, 9 vì đây là thời điểm hóa vàng, mọi người muốn ăn một món ăn mát ruột, lạ miệng mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
Món cuốn tôm đồng trong ký ức của một người con
“Dù được bà, được mẹ làm rất nhiều món ăn từ tôm cá nhưng chỉ đến khi về nhà chồng, tôi mới được thưởng thức món tôm cuốn thịt ba chỉ luộc với trứng tráng ngon tuyệt”, chị Huyền Thanh (Thanh Trì) – một người con Hà nội chia sẻ. “Bố mẹ chồng tôi có 5 người con. Không chỉ tôi mà các chị dâu, anh rể của chồng tôi đều thích mê món này. Vì thế, mỗi khi dâu rể về nhà, mẹ chồng tôi dù bận mấy cũng sẽ làm món “tủ” để thết đãi các con.
“Việc đầu tiên là bà đi chợ. Chợ quê nhỏ thôi nhưng tôm cá thì không hề thiếu. Ngay những ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng tôi đã rủ tôi cùng đi chợ để chuẩn bị nguyên liệu chiêu đãi cả nhà món tôm cuốn thịt ba chỉ. Bà bảo, muốn món này ngon thì “linh hồn” của nó phải là con tôm. Nếu chọn không đúng loại tôm đồng thau tháu, bụng căng trứng, khi rang lên có màu đỏ au thì coi như thất bại. Vì thế, bà lựa tôm rất kỹ. Tôm phải tươi nguyên, nhảy tanh tách. Đặc biệt, con nào con nấy phải đều nhau thì khi làm mới dễ cuốn và đẹp mắt.
Sau khi mua được mớ tôm tươi, bà dắt tôi đi mua thịt ba chỉ và trứng gà ta. Bà bảo, thịt ba chỉ cũng phải chọn loại thịt có khổ mỡ trắng phau, bì lợn không dày thì ăn mới ngon. Còn trứng gà thì nếu nhà không có mới phải mua. Nếu mua thì chọn loại trứng gà so, nhỏ hơn trứng gà thường nhưng ăn rất thơm.
Khi có 3 loại nguyên liệu trên, bà ra vườn nhổ xà lách, rau mùi và rau răm. Còn một nguyên liệu nữa không thể thiếu được là hành lá. Hành lá để làm cuốn phải là hành gié để nguyên củ.
Tôm mang về, bà phải rất nhẹ tay để khi rửa không bị trôi trứng. Sau khi cắt bỏ râu, bà đem ướp với chút mắm, mì chính, hạt tiêu rồi rang cho tôm chín vừa tới. Thịt ba chỉ bà đem luộc, vớt ra thái chỉ, cho hành lá vào nồi nước thịt luộc trần qua, chẻ nhỏ. Trứng bà tráng rồi cắt thành miếng hình chữ nhật.
Rau xà lách, mùi, răm được rửa kỹ, để dưới vòi nước cho nước chảy hết đất cát bám trên lá, ngâm nước muối loãng rồi vảy ráo nước. Khi rửa và ngâm rau xà lách cũng cần lưu ý để lá rau không bị nát”. – Một món ăn truyền thống của người Hà Nội xưa được tái hiện tỉ mỉ, chi tiết trong trí nhớ của người con Hà Nội.
“Tiếp đến bà cho ra đĩa, trải chiếu rồi huy động con cháu ra cùng cuốn cho vui và nhanh hơn. Mỗi cuốn gồm 1 lá rau sống, 1 con tôm, 1 miếng thịt, miếng trứng và ít rau thơm rồi lấy cọng hành lá cuộn lại.
Món cuốn này được chấm với nước mắm chanh tỏi pha chút đường ớt thì thật lạ miệng và ngon khó cưỡng. Món ăn đầy đủ dưỡng chất lại có cả các loại vitamin được cung cấp từ rau là món ưa thích không chỉ của người lớn mà còn cho cả trẻ nhỏ. Đặc biệt, vào dịp lễ tết, khi mọi người phát ngán vì giò, chả, thịt thì đĩa tôm cuốn thịt ba chỉ, trứng tráng bao giờ cũng hết đầu tiên”. Qủa nhiên chỉ cần nghe chia sẻ từ người con Hà Nội như thế cũng thấy được cả một ký ức đẹp, một nếp văn hóa gia đình được lưu giữ nhờ những món ăn ngon.
Cuốn tôm đồng cần đôi bàn tay tỉ mẩn
Món cuốn tôm đồng xưa thường xuất hiện trên mâm cỗ Tết vào các ngày mùng 3, 5, 7, 9 âm lịch. Theo Nhà báo Tuyết Nhung, người có thâm niên nghiên cứu về ẩm thực Hà Nội, đây là thời điểm hóa vàng, mọi người muốn ăn một món ăn mát ruột, lạ miệng mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Mỗi miếng cuốn tôm đồng sẽ gồm một con tôm đồng, miếng bún răng bừa, nhánh rau thơm, rau răm, rau mùi cùng trứng tráng thái chỉ, thịt luộc thái mỏng. Tất cả được cuốn lại với miếng rau diếp và cột lại với một cọng hành củ luộc.
Như mọi món cuốn khác, nước chấm chính là linh hồn, đem lại sự đặc biệt cho đĩa cuốn tôm đồng. Bà Tuyết Nhung bật mí thêm bí quyết pha được bát nước chấm hảo hạng.
Đầu tiên, cứ một muôi nước mắm thì một muôi giấm và một muôi đường, sau đó là năm muôi nước, thêm vào vài giọt tinh dầu cà cuống. Nếu đã dùng cà cuống thì không cho hạt tiêu hay tỏi. Bát nước chấm của cuốn tôm đồng không thể thiếu gia vị ớt tạo hương vị cay the hấp dẫn. Gia vị đặc biệt nữa là giấm bỗng chưng mật mía. Tất cả tạo nên món cuốn tôm đồng khó phai.
Bà chia sẻ thêm: “Món này cần sự tỉ mẩn, khéo tay vì nếu cuốn không khéo nó sẽ bung ra. Mà cuốn xong thì cả mâm cơm đẹp hẳn lên, rực rỡ hẳn lên”.
Theo Phương Nghi (Giadinh.suckhoedoisong.vn)