Đây là món tráng miệng của Việt Nam, giá thành không hề đắt.
Những món ăn của Việt Nam luôn thu hút sự tò mò của khách Tây vì hương vị độc đáo. Chàng rể Tây trên kênh tiktok “Hai em bé lai” cũng không ngoại lệ.
Trong một video, anh đã khiến nhiều người phải bật cười vì phản ứng đặc biệt khi thưởng thức một món ăn vặt của Việt Nam.
Chàng rể Tây khi nghe đến tên món ăn là “bánh da lợn” đã vô cùng ngạc nhiên. Ban đầu, anh từ chối món ăn vì tưởng rằng nguyên liệu là từ phần da của con heo. Sau khi nếm thử, chàng trai phải thốt lên “thơm lắm, vị không giống da lợn”.
Anh Tây dành không ít lời khen cho món ăn vặt này. Anh nhận xét “nó ngon thật sự”. Trên thực tế, anh không phải người duy nhất thích món bánh da lợn. Trong năm 2021, Tasteatlas đã từng có bài viết giới thiệu 100 món bánh ngọt ngon nhất toàn cầu (xét theo độ phổ biến), trong danh sách có một đại diện đến từ Việt Nam, đó là món bánh da lợn.
Cụ thể, bánh da lợn được nhắc đến trong danh sách ở vị trí 96. Tasteatlas đã mô tả về bánh da lợn như sau: “Là món tráng miệng truyền thống của Việt Nam, bánh da lợn bao gồm các lớp bánh dai đan xen, được làm từ đậu xanh nghiền, tinh bột sắn, bột gạo và nước cốt dừa. Theo truyền thống, mỗi chiếc bánh có một lớp màu vàng nhạt làm từ đậu xanh và một lớp màu xanh lá cây làm từ lá dứa, các thành phần linh hoạt khác bao gồm sầu riêng hoặc khoai môn. Sau khi hấp và làm lạnh, bánh thường được cắt thành hình kim cương”.
Bánh da lợn có nguồn gốc từ các tỉnh Nam Bộ, và là loại bánh có thể làm quanh năm nhờ nguồn nguyên liệu phổ biến, dễ kiếm. Kết cấu bánh mướt mịn, dai dai giống da lợn, sự liên tưởng đó khiến bánh có tên gọi như vậy. Bánh có vị thanh mát, ngọt thơm, ăn nhiều không bị ngán.
Điều đặc biệt là món ăn này có hương vị thơm ngon nhưng lại cực kỳ dễ làm. Dưới là công thức chi tiết cho món bánh da lợn bạn có thể thực hiện tại nhà.
Nguyên liệu
Bột năng: 500 gr
Bột gạo: 500 gr
Bột nếp: 500 gr
Đậu xanh tách vỏ: 200 gr (đậu xanh cà vỏ)
Lá dứa: 200 gr
Nước cốt dừa: 500 ml
Đường: 200 gr
Dầu ăn: 1 muỗng canh
Thực hiện
Chuẩn bị
Ngâm đậu xanh tách vỏ trong nước khoảng 6 tiếng cho mềm. Rửa sạch lá dứa và cắt nhỏ.
Hấp đậu xanh đã ngâm cho chín mọng, xay nhuyễn để tạo thành hỗn hợp mịn.
Xay nhuyễn lá dứa với nước, sau đó lọc qua rây để thu được nước cốt lá dứa.
Pha bột
Trong một tô lớn, trộn 250 gr bột gạo, 250 gr bột năng, 250 gr bột nếp, 250 ml nước cốt dừa, 100 gr đường và nước cốt lá dứa đã chuẩn bị.
Trong tô khác, trộn phần còn lại của bột gạo, bột năng, bột nếp, đường, nước cốt dừa và đậu xanh đã xay nhuyễn.
Lọc hai hỗn hợp bột qua rây để loại bỏ cặn và tạo độ mịn.
Hấp bánh
Chuẩn bị một khuôn hấp đã được quét một lớp dầu ăn mỏng.
Đun sôi nước trong nồi hấp, sau đó cho khuôn vào và làm nóng khuôn.
Đổ lớp bột lá dứa vào khuôn và hấp cho đến khi chín.
Thêm lớp bột đậu xanh và tiếp tục hấp.
Lặp lại việc đổ xen kẽ hai lớp bột và hấp cho đến khi hết bột hoặc đầy khuôn.
Thành phẩm: Đợi bánh nguội, cắt thành từng miếng vừa ăn và có thể thưởng thức cùng nước cốt dừa và rắc mè rang hoặc đậu phộng rang lên trên.
Khi làm bánh da lợn, có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo bánh thành công và ngon miệng:
Ngâm đậu xanh: Đậu xanh cần được ngâm đủ lâu để mềm và dễ nghiền thành hỗn hợp mịn.Lọc bột: Lọc hỗn hợp bột qua rây để loại bỏ cặn và tạo độ mịn cho bánh.Hấp bánh: Mỗi lớp bánh cần hấp đến khi chín mới đổ lớp tiếp theo. Điều này đảm bảo bánh không bị chảy và các lớp bánh không bị hòa vào nhau.Khuôn hấp: Quét một lớp dầu ăn mỏng lên khuôn trước khi đổ bột để bánh không bị dính và dễ lấy ra.Thời gian hấp: Điều chỉnh thời gian hấp phù hợp với kích thước và số lượng lớp bánh, đảm bảo bánh chín đều từ trong ra ngoài.Nhiệt độ: Hấp bánh ở lửa vừa để bánh chín tới mà không bị khô cứng.Bảo quản: Bánh da lợn sau khi làm xong nên để trong ngăn mát tủ lạnh nếu không ăn hết để bảo quản và giữ được độ tươi ngon.
Chúc bạn thành công với món ăn này!
Theo Minh Anh (Nguoiduatin.vn)