Canh tro thường chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết như lễ cưới, lễ mừng lúa mới, ngày tụ họp gia đình, đám ma… của người M’Nông ở khu vực hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk).
Tôi có việc phải đến Yang Tao và nghỉ lại tại homestay Y Sôl House ở xã ven hồ Lắk. Homestay tương đối nhỏ, kiểu nhà sàn truyền thống của người M’Nông ấm cúng. Dòng chữ “Ẩm thực M’Nông” viết kèm theo tên của homestay khiến tôi tò mò cứ hỏi thăm về những món ăn đặc sắc của người M’Nông nên H’Huyn – cô gái trong gia đình Y Sôl House – đã quyết định đãi tôi bằng món ăn đặc biệt.
H’Huyn giải thích món này vốn ít xuất hiện vào ngày thường, đơn giản vì chế biến nó tốn công và mất thời gian. Như cái tên của món ăn, nguyên liệu chủ đạo để chế biến canh tro là “nước tro”. Để chế biến nước tro, trái chuối chín được lột lấy vỏ; vỏ chuối chín lột ra đem phơi thật khô và đốt cháy để thu lấy tro và hòa vào nước. Sau đó sẽ dùng nhiều lớp vải để lọc lấy nước, bỏ cặn tro. Nước lọc nhỏ xuống phải trong veo mới đạt, bởi vậy khâu này tốn rất nhiều thời gian.
Các nguyên liệu khác của món này gồm: măng (tươi hoặc chua); bí xanh non (hoặc đu đủ xanh + lá đu đủ non hoặc rong hồ Lăk khá hiếm; hoặc thập cẩm các loại đó) cùng thịt, xương heo (hoặc xương bò, trâu) cùng một số loại rau, lá trong vườn, tàu lá môn. Có thể thêm cá, tép ốc bắt từ hồ Lắk đều được. Các loại nguyên liệu trên được thái nhỏ, đổ nước tro vào và hầm nhừ. Khi ăn nêm thêm ớt giã nhuyễn mới ngon.
Để hầm canh tro, có thể dùng bếp gas, bếp điện nhưng hầm trên bếp củi là ngon nhất. Sau khi H’Huyn giới thiệu cho tôi về “quy trình” chế biến, mẹ cô đích thân nhóm lửa hầm canh tro tại ô bếp nhỏ trong góc phía sau ngôi nhà sàn, mà xung quanh xếp đầy những vò, chóe. Làn khói bếp xanh mỏng bay lên trong góc bếp và mùi thơm của món ăn lan tỏa khắp không gian khiến tôi bắt đầu “nóng ruột”.
Rồi cũng đến lúc H’Huyn mang đồ ăn ra chiếc chiếu lớn trải giữa nhà sàn. Tô canh tro có nước sền sệt bốc khói thơm lừng. Chao ơi! Bột bí xanh hầm nhừ vừa bùi vừa thơm, cùng vị béo ngậy của thịt, xương heo, thêm vị nhẫn nhẫn của măng tươi và vị cay xé lưỡi của ớt giã nhuyễn, khiến khứu giác và vị giác của tôi căng ra hưởng thụ.
Thức ăn đi tới đâu là biết tới đó, đặc biệt vị mặn của món canh tro này rất đặc biệt. Nó vừa mằn mặn một cách nhẹ nhàng vừa mang hương thơm dìu dịu – đó là bởi vị mặn từ tro đốt vỏ chuối, đồng bào M’Nông đã sử dụng từ xa xưa, khi muối còn khan hiếm. Cuối cùng, mặc dù mâm dọn lên có cơm, có rau, có tép hồ Lắk, nhưng chúng đều ế hết, bởi tôi để dành bụng chỉ để ăn canh tro như ăn xúp vậy. Ăn xong còn hít hà vì cay, vì thòm thèm.
Theo Ngô Hòa Nam (Nld.com.vn)