Hàng loạt món ăn, thức uống trong năm 2023 như cà phê muối, gỏi gà măng cụt, trà chanh giã tay… đã khiến nhiều bạn trẻ đam mê ẩm thực săn mua bằng được.
Năm Quý Mão 2023, thị trường trong nước xuất hiện trào lưu kinh doanh ẩm thực theo trend (xu hướng trên mạng xã hội) với hàng loạt món ăn mới lạ, chủ yếu được du nhập từ nước ngoài.
Khi mới ra mắt, những món đó đã tạo nên cơn sốt khiến nhiều bạn trẻ chen lấn, xếp hàng hàng giờ đồng hồ để mua. Người kinh doanh cũng nhanh chóng bày bán những món ăn này để tăng doanh thu.
Trà sữa đất nung
Mới đây nhất, trà sữa đất nung có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc) liên tục được xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội vào tháng 11-2023. Nhiều tiệm trà sữa ở Hà Nội, TP HCM “đu trend” phục vụ món đồ uống này. Thậm chí có quán mở ra chỉ để phục vụ món đồ uống này.
Thời điểm “trend” mỗi ngày, các cửa hàng bán khoảng từ 150-180 ly, hiện nay giảm chỉ còn khoảng vài chục ly mỗi ngày.
Các nguyên liệu để nấu trà sữa chủ yếu là các loại thảo mộc như nhài, cam, dâu tằm, quế hoa, đậu biếc, long nhãn, đông trùng, kỷ tử, táo đỏ, hoa cúc, hồng… nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cà phê muối
Cà phê muối là món mở màn cho những món “trend” đầu năm 2023, đây là món bắt nguồn từ Huế và đã có gần 10 năm trước.
Lúc đó, trên những đoạn đường lớn như Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh)… rầm rộ xuất hiện những điểm di động chỉ kinh doanh mỗi cà phê muối và bán 200-300 ly mỗi ngày. Những cửa hàng cà phê tại TP HCM khi đó cũng bổ sung món này vào menu.
Cà phê muối được pha chế từ cà phê sữa sau đó cho thêm một lớp kem muối phía trên bề mặt. Lớp kem muối có vị mặn, béo ngậy nhưng vẫn giữ được vị cà phê. Mỗi ly cà phê muối có giá khoảng 20.000-25.000 đồng.
Nổi tiếng nhất thời điểm đó phải kể đến Cà phê muối Chú Long, người đàn ông khởi nghiệp và bất ngờ thành công ở tuổi xế chiều. Tuy vậy, dư luận vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về nhân vật chú Long và ông chủ thật sự đứng sau chuỗi cà phê này.
Gỏi gà măng cụt
Gỏi gà măng cụt là món ăn được xem là đặc sản lâu đời ở Lái Thiêu (Bình Dương) bất ngờ gây sốt trên mạng xã hội vào tháng 4-2023 khi đúng vào mùa măng cụt (tháng 4 đến tháng 6) và nhanh chóng tạo thành trào lưu ăn uống.
Có nhiều người dân vì tò mò nên đã chạy xe máy, thậm chí thuê taxi đi hàng chục cây số từ TP HCM xuống Bình Dương chỉ để thưởng thức món này.
Theo đó, giá măng cụt xanh thời điểm đó bị đẩy lên với giá 100.000-130.000 đồng/kg, ruột măng cụt (loại đã gọt vỏ) lên tới 500.000-650.000 đồng/kg.
Mỗi suất gỏi gà măng cụt dành cho 2-3 người có giá 230.000 đồng và dành cho 3-4 người có giá 320.000 đồng.
Tuy nhiên, đến nay món ăn này đã bị quên lãng, những hàng quán có bán món ăn này đều rút khỏi menu.
Trà mãng cầu
Cũng trong tháng 4, trà mãng cầu cũng khiến cho nhiều thực khách “chao đảo”, dễ thấy nhất trên các tuyến đường lớn như Quang Trung (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận)…, giới trẻ chen lấn xếp hàng để mua cho bằng được.
Đáng nói, nhiều người trẻ đội nắng, chạy xe máy từ TP HCM xuống Long An chỉ để mua trà mãng cầu của hot tiktoker tên “Vy Anh”. Lúc đó, mỗi ly thường được bán với giá từ 20.000 – 35.000 đồng.
Bánh đồng xu phô mai
Tiếp tới tháng 8, trào lưu bánh đồng xu phô mai Hàn Quốc nở rộ khi trên các tuyến đường như Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Vĩnh Hội (quận 4), đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) có hơn 10 xe bán di động.
Bên cạnh đó, một số siêu thị lớn như E-mart (quận Gò Vấp, TP Thủ Đức) cũng kinh doanh loại bánh này và thu hút thực khách xếp hàng dài chờ mua.
Bánh đồng xu vốn là món ăn vặt có nguồn gốc từ Hàn Quốc khá nổi tiếng. Bánh có đường kính khoảng 10cm, vỏ bánh được nướng vàng và in họa tiết mô phỏng đồng xu 10 won, có vị trứng sữa và nhân là phô mai sợi có thể kéo dài cả mét sau khi được làm nóng.
Tại Việt Nam, bánh đồng xu được bán với giá khoảng 35.000 đồng mỗi chiếc. Thời điểm món bánh ở mức đỉnh, nhiều điểm có thể bán từ 1.000 đến 2.000 chiếc mỗi ngày, thu về 3-5 triệu đồng trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Trà chanh giã tay
Trend bánh đồng xu vừa tắt, món trà chanh giã tay có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập về Việt Nam và xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội, sau đó đến TP HCM. Công thức pha trà khá đơn giản với các nguyên liệu cơ bản như trà, chanh tươi, đường, đá…
Theo các chủ kinh doanh, loại chanh làm món này là chanh Quảng Đông (Trung Quốc), có vị thơm và ít nước hơn chanh Việt, hay còn được gọi là chanh nước hoa.
Chanh này không được vắt nước như quả tắc mà được người bán trộn cùng đá lạnh rồi giã tay bằng cối nhựa để lấy tinh dầu thơm pha trà.
Giá 25.000 đồng mỗi ly, thời điểm sốt các cửa hàng, điểm di động bán được trung bình 400-500 ly mỗi ngày.
Theo ghi nhận, hầu hết những món trend chỉ cao trào trong vòng 1-2 tháng sau đó “vụt tắt”, những điểm bán di động chỉ bán mỗi sản phẩm trend trên các tuyến đường TP HCM cũng mau chóng biến mất, chỉ còn cà phê muối vẫn còn “sống” trên thị trường.
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực F&B chia sẻ rằng các món ăn theo trend khi du nhập từ nước ngoài về Việt Nam chưa đáp ứng được 7 tiêu chí của một món ăn như giá cả, bao bì, tần suất quay lại, độ phủ…. nên việc mất tích trên thị trường ẩm thực là điều dễ hiểu.
Theo Lê Tỉnh (Nld.com.vn)