Một trong những phong tục đẹp của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán đó là du xuân đầu năm. Dưới đây là một vài gợi ý địa điểm linh thiêng nổi tiếng ở Hà Nội được người dân tìm đến chiêm bái, hành hương và nguyện ước những điều lành.
Đầu năm mới, người người nhà nhà nô nức hành hương đến các ngôi chùa, đền linh thiêng để cầu an, cầu tài, cầu phúc, khởi đầu cho một năm mới tràn đầy hy vọng và may mắn.
Những nén hương thơm nghi ngút, tiếng chuông chùa giòn giã trong không gian tĩnh lặng, lòng người như được rửa sạch muộn phiền, tâm hồn thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn.
Người ta đến chùa không chỉ để cầu nguyện cho bản thân và gia đình mình, mà còn để kết nối với cộng đồng, chia sẻ niềm tin và sức mạnh tinh thần. Trong không khí trang nghiêm, mọi người cùng nhau thắp hương, dâng lên những những lời nguyện ước từ sâu thẳm trong lòng.
Việc đi chùa đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn là cơ hội để mỗi người tự soi xét lại mình, học cách sống chân thành, tử tế hơn và mang theo những nguyện vọng tốt đẹp vươn tới một năm mới thịnh vượng và an lành.
Dưới đây là một số địa điểm linh thiêng tại Hà Nội, được người dân tìm đến chiêm bái, cầu nguyện mà bạn có thể tham khảo cùng người thân, gia đình du xuân đầu năm.
Thăng Long tứ trấn
Thăng Long tứ trấn” hay “Tứ trấn Hà Nội” hình thành từ sớm, gắn liền với việc ra đời của kinh đô Thăng Long. Bao quanh kinh thành Thăng Long là bốn kinh trấn xưa. Bốn nội trấn này gồm Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông, Sơn Tây có nhiệm vụ che chắn, trấn giữ kinh thành. Trong nội trấn là 4 ngôi đền thiêng thờ bốn vị thần trấn giữ 4 huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long.
“Tứ trấn Hà Nội” gồm: Đông trấn – Bạch Mã tối linh từ (đền Bạch Mã), Tây trấn – Linh Lang Đại Vương từ (đền Voi Phục), Nam trấn – Kim Liên từ (đền Kim Liên), Bắc trấn – Trấn Vũ đại đế từ (đền Quán Thánh).
Đông trấn linh từ – Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm)
Đền Bạch Mã được xây dựng năm 866. Sau này, đền được xây lại vào năm 1010 khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đây là miền đất thiêng được dòng sông Tô Lịch ôm ấp bao bọc trong truyền thuyết. Theo sách cổ “Việt Điện U Linh” có ghi, ngày ấy, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Sau rất nhiều lần đắp thành không được, vua cho người cầu khấn nơi đền Long Đỗ. Bỗng thấy ngựa trắng đi ra từ trong đền, nhanh chóng lần theo vết chân ngựa, nhà vua đã phác hoạ được bản đồ xây thành. Bản đồ phỏng theo vết chân ngựa trắng đã giúp đắp thành đứng vững thành công và từ đó thần Long Đỗ được vua phong hàm ” Quốc đô định bang Thành Hoàng Đại Vương”.
Đền Bạch Mã được xếp hạng Di tích lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986 và đã trở thành một biểu tượng lừng lững ở phố cổ Hà Nội. Cũng từ lâu, ngôi đền thờ thần Long Đỗ đã trở thành một trong những điểm đến tâm linh của người dân Thủ đô. Ngày qua ngày, nơi đây vẫn chào đón con dân Việt trở về với giá trị cổ phong, về với tinh hoa dân tộc, về với những trang sử hào hùng của năm tháng.
Tây trấn linh từ – Đền Voi Phục (362 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình)
Đền Voi Phục nằm ở phía Tây thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi đền thờ hoàng tử Linh Lang đời Lý. Theo huyền tích, Hoàng tử Linh Lang, thác sinh có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Tống. Nằm nép mình bên hồ nước cạnh công viên Thủ Lệ, được bóng cây cổ thụ bao quanh, đền Voi Phục từ lâu đã trở thành một chốn tâm linh được người dân tôn kính.
Hơn thế nữa, có thể nói, đền Voi Phục là một trong những địa điểm tâm linh được nhân dân hết mực tôn kính. Mỗi dịp lễ Tết, mùng 1 và ngày Rằm, người dân kinh kỳ vẫn đến cảm tạ, vãn cảnh tại đền. Đền thờ Linh Lang Đại Vương được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 1962.
Nam trấn linh từ – Đền Kim Liên (176 Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa)
Đền Kim Liên toạ lạc ở phía Nam Hà Nội, thuộc quận Đống Đa. Nơi đây thờ thần Cao Sơn đồng thời “Trấn Nam” được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1990. Lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào 16/3 âm lịch. Các hoạt động trong lễ hội tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn tới thần Cao Sơn. Không chỉ có người dân nơi đây mà khách thập phương cũng đổ về dự lễ thể hiện sự kính vọng, cảm tạ vị thần che chở, ban phúc lộc cho người dân.
Bắc trấn linh từ – Đền Quán Thánh (190 Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình)
Đền Quán Thánh nằm ở phía Bắc trong Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long. Đền nằm cuối đường Cổ Ngư xưa, nay là đường Thanh Niên. Toạ lạc ở vị trí đắc địa, giao giữa đường Thanh Niên và phố Quán Thánh trông ra Hồ Tây và dựa vào hồ Trúc Bạch. Đền Quán Thánh thờ phụng Huyền Thiên Trấn Vũ.
Theo truyền thuyết, vào đời vua Hùng, nơi rừng Thiết Lâm u tối, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có hồ ly thành tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng liền sai thần Huyền Thiên giáng linh, dùng phép tiêu diệt hồ tinh, cả khu rừng Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (Hồ Tây ngày nay). Cho nên, vua Lý Thái Tổ sau khi xây dựng Kinh thành, đã cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía Tây Bắc thành để diệt yêu trừ ma.
Đền Quán Thánh không chỉ lưu giữ những bảo vật quý giá mang hơi thở thời gian và còn là một chốn trấn giữ phía Bắc uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất giàu lịch sử. Vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm sẽ diễn ra lễ hội của đền nhằm tưởng nhớ người xưa có công diệt trừ tà ma, bảo vệ cuộc sống an lành, bình yên của dân chúng. Không chỉ vậy, nơi đây vào ngày mùng 1, ngày Rằm hoặc lễ Tết cũng đón tiếp lượng lớn du khách và người dân đến dâng tâm hương, cầu bình an và may mắn.
Phủ Tây Hồ
Nằm ở làng Nghi Tàm, ngay trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, Phủ Tây Hồ có địa chỉ ở số 52 phố Đặng Thai Mai, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 4 km về hướng Tây. Đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Nội thu hút đông đảo du khách khắp nơi tìm đến chiêm bái, tham quan, đặc biệt là vào dịp lễ Tết.
Theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng Việt Nam, được dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Nơi đây gắn với tín ngưỡng thờ mẫu của dân tộc ta, phủ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử – Văn hóa vào ngày 13 tháng 2 năm 1996.
Chùa Hà
Chùa Hà, còn gọi là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà lập thành cụm di tích đình – chùa Hà thuộc làng Vòng xưa, nay là số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là nơi ghi dấu văn hiến của xứ Đoài xưa.
Theo truyền thuyết, vào thời vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072). Khi ấy mặc dù đã 42 tuổi nhưng nhà vua vẫn chưa có con nên tìm đến một ngôi chùa cầu tự, sau sinh ra Thái tử Càn Đức. Trên đường đi, nhà vua còn ghé một ngôi chùa khác và ban tiền bạc để trùng tu, sau đặt tên là Thánh Đức tự (chùa Hà ngày nay).
Đình Bối Hà thờ phụng Thành hoàng làng là Triệu Chí Thành. Theo tích xưa, Triệu Chí Thành là người có công phò tá Triệu Việt Vương đánh đuổi quân Lương năm 550. Sau khi đánh quân Lương tan tác, Triệu Chí Thành lâm bệnh nặng và được nhà vua hồi mong báo đáp. Có thể thấy cụm di tích chùa Hà là chốn quy tụ, tưởng nhớ những mối lương duyên tốt đẹp. Có lẽ cũng từ đây mà chùa Hà được dân gian tin tưởng tìm đến mỗi khi có một ước vọng nào đó mong được thành sự thật, trong đó có cả cầu duyên.
Nơi đây cũng là một trong những địa điểm linh thiêng ở Hà Nội được nhiều người tìm đến hành hương, chiêm bái và du xuân vào đầu năm.
Chùa Trấn Quốc
Nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa Trấn Quốc có lịch sử gần 1500 năm và được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Dưới thời nhà Lý và nhà Trần, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Nép mình tĩnh lặng bên hồ nước mênh mang, với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam. Đặc biệt trong những ngày đầu xuân năm mới, nơi đây thu hút đông đảo người dân Hà thành đổ về dâng hương, vãn cảnh và chiêm bái.
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh nằm giữa lòng Hà Nội, không chỉ là một điểm tựa tinh thần quen thuộc chinh phục trái tim của biết bao thế hệ người Việt. Chùa Phúc Khánh (còn được biết đến với tên gọi chùa Sở) vẫn đón nhận hàng nghìn người hành hương mỗi khi lễ lớn đến, như một nơi hội tụ của niềm tin và tâm linh. Được Bộ Văn hóa – Thông tin vinh danh là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia vào năm 1988, chùa Phúc Khánh không chỉ là niềm tự hào của người dân Thăng Long xưa và nay mà còn là một biểu tượng văn hóa, một chứng nhân lịch sử vô giá giữa lòng thủ đô náo nhiệt.
Nơi đây không chỉ thu hút người dân đến dâng hương vào ngày mùng 1, ngày Rằm, mà đầu xuân cũng có nhiều người đến “xin lộc” công danh, làm ăn thuận lợi.
Với vài gợi ý địa điểm cầu may, du xuân đầu năm, được hòa mình vào không gian tĩnh lặng và linh thiêng của các ngôi chùa cổ kính tại Hà Nội, mỗi bước chân ta rời đi không chỉ để lại sau lưng những lời nguyện cầu cho một năm mới an lành và tốt lành, mà còn mang theo trong tim những trải nghiệm đậm đà văn hóa và tâm linh.
Dưới mái chùa, bên hương trầm nghi ngút, ta tìm thấy sự bình an nội tâm, và cảm nhận sâu sắc giá trị của sự kết nối giữa con người với nhau và với cảnh vật xung quanh. Dù cho cuộc sống đôi khi náo nhiệt và hối hả, thì những phút giây du xuân ngập tràn ý nghĩa này sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, nhắc nhở mỗi chúng ta về những điều quan trọng nhất: Sự thanh thản, lòng biết ơn và niềm tin vào những điều tốt đẹp phía trước.
Theo Minh Dương (Phụ Nữ Số)